[Review] Giang sơn bất hối – Đinh Mặc

[Review] Giang sơn bất hối – Đinh Mặc

 

Đánh giá: 9/10

Tag: Cổ đại, giang hồ, HE…

A/N: Đây là tiểu thuyết mình thích nhất trong tất cả các truyện của Đinh Mặc cũng như trong tất cả truyện thể loại cổ đại. 

Phải nói là mình đã đọc cuốn này từ rất lâu rồi, cách đây hơn bốn năm và bây giờ mới viết review. Sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng đó mình đã đọc một vài review và nhận xét về “Giang sơn bất hối”, có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi kinh khủng. Nếu bạn để ý sẽ thấy hai luồng ý kiến đối lập nhau hoàn toàn:

Một, thành phần “Hoàn toàn bất mãn với truyện”, họ những tưởng Nhan Phác Tông là nam chính, muốn Nhan Phác Tông là nam chính, thích nhân vật đó nhưng đáng tiếc anh ta có kết cục thật sự là một “xô máu chó”… người đọc loại một không thích cả cuốn truyện, cảm thấy Đinh Mặc thật sự không phù hợp viết truyện cổ đại.

 

Hai, thành phần”Cực thích truyện”, họ là những người chấp nhận nam chính Bộ Thiên Hành, xót xa cho Mộ Dung Trạm và thấy tiểu thuyết này thiệt đồ sộ, thiệt kịch tính.

 

Ừ, mình ở loại hai. Bài review này có lẽ sẽ mang tính cá nhân và thiên vị một chút bởi vì mình cực kì thích Bộ Thiên Hành. Phải nói trước mình đọc khá nhiều tiểu thuyết và dù gu đọc của mình có tính ổn định nhưng 100 truyện mà 100 tình tiết như nhau thì đọc làm quái gì nữa phải không? Trong một bể ngôn tình tính đến ngày nay thì phải nó là những truyện có tình tiết hao hao nhau cũng không phải là hiếm gặp: xuyên không, cũng nhiều rồi; cung đấu, thật sự là rất nhiều. Nhưng để có hương vị xuyên không khác biệt như “Giang sơn bất hối” của Đinh Mặc thì thật sự rất khó.

 

Với mình, “Giang sơn bất hối” có một lối tư duy mới, không đi vào lối mòn. Ban đầu mình không thể nghĩ rằng Bộ Thiên Hành là nam chính, bởi xuất hiện trễ và hình ảnh của Nhan Phác Tông đang được xây dựng quá phù hợp để trở thành nam chính. Nhưng nếu thật sự như vậy thì với mình “Giang sơn bất hối” cùng sẽ giống như những câu chuyện khác mà thôi.

 

Có lẽ ngòi bút của Đinh Mặc đã tìm thấy một hướng đi riêng cho nó, một lựa chọn đặc sắc hơn, kịch tính hơn chính là Bộ Thiên Hành.

 

Nếu không có Bộ Thiên Hành, bạn sẽ không thấy được sự tàn nhẫn và tình cảm lệch lạc của Nhan Phác Tông. Cái cách mà Nhan Phác Tông truy tìm Nhan Phá Nguyệt bởi sự ám ảnh hơn là một tình yêu giữa nam và nữ đơn thuần. Có lẽ chính Phá Nguyệt cũng cảm nhận được điều đó, và cảm giác ghê sợ Phác Tông chưa bao giờ nguôi ngoai từ đầu truyện đến cuối truyện.

 

Nếu không có Bộ Thiên Hành, bạn sẽ không thấy thế nào là yêu thực sự. Tình yêu của Thiên Hành dành cho Phá Nguyệt là tình yêu cho nàng bầu trời tự do. Nếu nàng là đại bàng thì Thiên Hành chính là bầu trời. Không phải một Phác Tông rào nên cũi ngục và nhốt Phá Nguyệt như một con chim cảnh, Thiên Hành cho nàng cảm giác của gió trời lồng lộng, cảm giác được yêu thương thật sự. Thiên Hành toàn ý bảo vệ và che chở cho nàng. Có thể Thiên Hành không một tay che trời được như Phác Tông, nhưng từ một viên tướng quân nhỏ, nhân vật này có sự phát triển xuất sắc. Càng đọc bạn mới càng nhận ra khả năng của Thiên Hành, và cũng cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà anh ta dành cho Phá Nguyệt.

Tình cảm của họ cũng phát triển một cách tự nhiên, hợp lý và ngọt ngào. Dù đọc từ rất lâu, nhưng mình vẫn nhớ nhất cảnh tỏ tình và nụ hôn đầu của Thiên Hành và Phá Nguyệt. Có chút ngại ngùng, có chút ngọt ngào, có chút kịch tính cùng gió lộng của thảo nguyên.

 

Mà có lẽ tình yêu ấy quá đỗi sâu sắc nên mình thương tiếc cho tình yêu của Mộ Dung Trạm đối với Nhan Phá Nguyệt. Nếu ví tình yêu của Bộ Thiên Hành là ngọn gió thì tình yêu của Mộ Dung Trạm chính là dòng nước. Êm ả nhưng vẫn mãnh liệt như vậy. Bao năm dằn vắt với người huynh đệ của mình, nhưng không kiềm được tình yêu với Phá Nguyệt song vẫn ở bên nàng để che chở khi nàng buồn đau nhất. Nhưng tưởng mất đi Thiên Hành, Phá Nguyệt như chết đi một nửa, nàng đã từng nghĩ thử chấp nhận Dung Trạm, nhưng vẫn là không thể. Dung Trạm chịu hai nỗi đau, nỗi đau mất đi huynh đệ và nỗi đau nhìn người con gái mình yêu thương trải qua đau khổ.

 

Nói đến Dung Trạm, phải nhắc tới cả tình huynh đệ với Thiên Hành. Hai người cùng yêu một cô gái, có lẽ sẽ là một nút thắt khó giải quyết. Nhưng chính Bộ Thiên Hành cũng thẳng thắng mà thừa nhận, anh yêu Phá Nguyệt là thật, và quyết định cạnh tranh công bằng với đệ đệ kết nghĩa của mình. Không phải là giành giật bởi cả hai người đều tôn trọng Phá Nguyệt, không phải nhẫn nhịn để rồi bỏ lỡ tình yêu, mà họ cạnh tranh công bằng, nàng yêu ai lại là diễm phúc của người đó. Đây chính là phong thái của một quân tử nên có. Lấy hết thực lực và tình yêu để chinh phục nàng, không phải là ta nhường đệ, đệ nhường ta. Dù rằng Bộ Thiên Hành lắm khi dằn vặt và tội lỗi với Dung Trạm, song tình huynh đệ của họ chính là điều tquy1song đang phải giữ gìn như vậy.

 

Mình biết rằng bài viết này khá thiên vị cho Bộ Thiên Hành, nhưng với mình, nét đẹp của nhân vật này xuất phát từ một lối viết không vào lối mòn, có sự phát triển rõ rệt. Hy vọng các bạn có thể cảm nhận nam chính bằng một góc nhìn mới, và hiểu được sự phát triển qua từng chương để thấy được một Bộ Thiên Hành “Giang sơn bất hối”, đã làm thì sẽ không hối hận, chống cả giang sơn cũng không hối hận vì yêu nàng.

 

Valerie,

SG, 27/02/2019

 

1 bình luận về “[Review] Giang sơn bất hối – Đinh Mặc

Comment ---